Kết quả Chiến_dịch_Sao_Hỏa

Thương vong

Theo các thống kê của quân đội Liên Xô, tổn thất của phía Liên Xô trong trận này là 70.373 người chết và mất tích, 145.301 người bị thương và bị ốm (tổng cộng 215.764 người với 8.295 thương vong trong 1 ngày - Tỷ lệ thương vong trung bình ngày còn cao hơn tại mặt trận Stalingrad)[21]. Tổn thất của Tập đoàn quân số 9 của Đức trong giai đoạn tháng 10 - tháng 12 năm 1942 là 53.500 người, trong đó 80% (40.000-45.000 người) là thuộc về chiến dịch Sao Hỏa. Theo A. V. Isayev, tổng thương vong của quân Tập đoàn quân số 9 trong giai đoạn tháng 8-9 và tháng 11-12 năm 1942 là hơn 100.000 người.

Đánh giá

Rõ ràng, cuộc tấn công của Phương diện quân Tây và Kalinin đã thất bại[22]. So với tổn thất của quân đội Liên Xô, những phần lãnh thổ họ giải phóng được rất là khiêm tốn (đột phá được khu vực thung lũng sông Luchosa và ở phía Tây Bắc Rzhev). Tuy nhiên, xét một khía cạnh khác, chiến dịch Sao Hỏa đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho Tập đoàn quân số 9. Nó cũng ngốn hết toàn bộ lực lượng dự bị của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, khiến cho nó không thể điều quân đến chi viện cho Tập đoàn quân số 6 đang bị vây ở Stalingrad. Thượng tướng Kurt von Tippelskirch của quân đội Đức Quốc xã đã phải thừa nhận:

Để giam chân các lực lượng Đức trên tất cả các mặt trận nhằm ngăn cản sự chuyển quân tiếp viện lớn cho các khu vực bị uy hiếp, đồng thời củng cố thế trận của họ tại những nơi hình thái mặt trận có lợi cho việc triển khai các chiến dịch trong mùa đông tiếp theo; Người Nga tiếp tục nối lại các cuộc tấn công của họ trên hướng trung tâm sau nhiều tháng chiến đấu. Những nỗ lực chính của họ tập trung vào Rzhev và Velikye Luky. Ba sư đoàn xe tăng và mấy sư đoàn bộ binh được sửa soạn để tung xuống phía Nam đã bị giữ lại. Ban đầu là để thu hẹp những lỗ thủng trên mặt trận, tiếp dó là để phản công chiếm lại những vùng đất bị mất. Chỉ bằng cách đó, quân đội của chúng tôi mới ngăn chặn được đối phương chọc thủng phòng tuyến.
— Kurt von Tippelskirch.[23]

Ở đây, cần phải nói rằng có rất nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của chiến dịch Sao Hỏa, tựu trung xoay quanh yếu tố: đây là chiến dịch tấn công chính hay là chiến dịch có mục tiêu găm giữ Tập đoàn quân số 9 và chia lửa với Trận Stalingrad. Nhóm ý kiến thứ nhất vin vào lý do là binh lực tập trung cho Chiến dịch Sao Hỏa lớn hơn rất nhiều so với Chiến dịch Sao Thiên Vương[24]. Học giả David M. Glantz đã mô tả chiến dịch Sao Hỏa là "thất bại lớn nhất của Nguyên soái Zhukov" và không tin rằng đây chỉ là hoạt động "chia lửa" đối với mặt trận Stalingrad. Theo Glantz, mục tiêu chính của Chiến dịch Sao Hỏa là đột phá vào khu vực hậu phương của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, còn thông tin "chia lửa" chỉ là kết quả của việc tuyên truyền nhằm thanh minh và làm giảm nhẹ thất bại tại đây. Ông lập luận:

Trong trường hợp khó xảy ra đó là Zhukov đã đúng và Sao Hỏa chỉ là một đòn tấn công nghi binh, thì chưa bao giờ một đòn tấn công nghi binh lại được tổ chức một cách tham vọng, với quy mô lớn, được tổ chức quá vụng về, hay thương vong quá lớn như vậy.
— David M. Glantz

Tuy nhiên, bằng việc cung cấp chi tiết về các mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, đặc biệt là việc "làm giả" thông tin về chuẩn bị tấn công tại khu vực Rzhev để phân tán sự chú ý của đối phương vào hướng tấn công chính; M. A. Gareyev đã phản bác lại ý kiến của David Glantz và một số nhà sử học phương Tây. Ông cho rằng: "Các chiến dịch "Sao Hỏa" và "Sao Thiên Vương" đều nằm trong một tầm nhìn chiến lược và mục tiêu chiến lược cốt lõi của Chiến dịch "Sao Hỏa" là nhằm chuyển hướng binh lực tăng viện của quân Đức ra khỏi hướng Stalingrad cũng như giam chân các lực lượng cơ bản của quân Đức tại phía Tây Moskva, không cho quân Đức điều động lực lượng bổ sung cho mặt trận Stalingrad nhằm đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của cuộc phản công của quân đội Liên Xô tại Stalingrad. Do đó, "không có lý do thuyết phục cho để đánh giá Chiến dịch "Sao Hỏa" thất bại hay là "thất bại lớn nhất của Nguyên soái Zhukov" như David Glantz và một số nhà sử gia phương Tây mô tả".[25]

Theo một số tài liệu, kế hoạch tấn công của Chiến dịch Sao Hỏa bị tình báo Liên Xô cố tình để lộ cho quân Đức biết được trong một kế hoạch gián điệp thông qua sóng vô tuyến mang tên "Tu viện" (Монастырь), với mục đích để cho quân Đức tập trung vào hướng Trung tâm mà không chú ý tới kế hoạch tấn công bao vây Tập đoàn quân 6 của tướng Friedrich Paulus tại Stalingrad do ba Phương diện quân Liên Xô tiến hành:

Thông tin sai lạc thường có tầm quan trọng chiến lược. Ngày 4 tháng 11 năm 1942, "Heine" và "Max" cho người Đức biết rằng Hồng quân thực hiện các cuộc tấn công vào ngày 19 tháng 11 không phải là ở Stalingrad và Bắc Kavkaz mà là một cú đánh vào Rzhev. Vì vậy, người Đức đang chờ đợi các hoạt động lớn của Hồng quân tại Rzhev và đẩy lùi cuộc tấn công. Tuy nhiên, khi cụm quân của tướng Paulus bị bao vây tại Stalingrad thì người Đức hoàn toàn bị bất ngờ. Không biết gì về "trò chơi điện đài" này, G. K. Zhukov đã phải trả một giá rất đắt trong cuộc tấn công tại Rzhev với hàng vạn binh sĩ thiệt mạng. Trong hồi ký của mình, ông (G. K. Zhukov) thừa nhận rằng kết quả của cuộc tấn công này là không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ông không bao giờ biết rằng người Đức đã được cảnh báo về cuộc tấn công của chúng ta chống lại họ trên hướng Rzhev, do đó mà ông đã ném vào đấy rất nhiều binh lực.
— P. A. Sudoplatov[26]

Theo P. A. Sudoplatov, hai năm sau vụ Savinkov, tháng 6 năm 1927, lần đầu tiên NKVD phát hiện ra cặp điệp viên của Pháp mang bí danh "Heine" (tên thật là Aleksandr Petrovich Demyanov) và "Max" (tức Tachiana Berezantsova, vợ của Aleksandr Demyanov) đang hoạt động tại vùng Tây Bắc Nga dưới vỏ bọc là con cái một gia đình quý tộc Nga cũ tại vùng Novo Devichevo. Trong khi OGPU (cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Liên Xô) đề nghị bắt giữ hai điệp viên này thì NKVD lại không đồng ý. Họ muốn sử dụng một cách hữu hiệu các điệp viên này vào các chiến dịch "phản đòn" đối với các cơ quan đặc biệt của đối phương.[26] Năm 1929, vợ chồng Aleksandr Demyanov nhận làm việc cho NKVD và được bố trí vào làm nhân viên kỹ thuật của hãng Mosfilm. Từ năm 1935, Aleksandr Demyanov bắt liên lạc với nhiều điệp viên Đức được "đánh" vào Liên Xô. Trong đó có hai điệp viên của Abwehr là Ilyin và Maklyarsky. Đến năm 1940, Aleksandr Demyanov đã "rơi vào tầm ngắm" của Abwehr (cơ quan tình báo quân sự Đức)[27] Tháng 7 năm 1941, P. A. Sudoplatov và Gorlinsky, người đứng đầu cơ quan bảo vệ nội bộ của NKVD yêu cầu L. P. Berya cho phép sử dụng "Heine" vào "Chiến dịch Tu viện" và được ông này đồng ý. Tháng 8 năm 1941, các nhà phản gián NKVD đã bố trí một cuộc đào tẩu "như thật" của Aleksandr Demyanov sang phía quân Đức ở Smolensk. Sau hơn một tháng thẩm vấn, không phát hiện thấy điều gì nghi ngại. Abwer quyết định "đánh" Aleksandr Demyanov ngược trở lại phía Liên Xô. Và từ đó bắt đầu "Chiến dịch Tu viện", Aleksandr Demyanov đã tuồn nhiều tin tức kiểu 7 giả 3 thật cho cơ quan Abwwehr.[28][29]

Trong tác phẩm "Những nhiệm vụ đặc biệt" (Спецоперации) P. A. Sudoplatov khẳng định rằng quân Đức đã được báo động đặc biệt về cuộc tấn công vào Rzhev thông qua "trò chơi" vô tuyến "Tu viện" và đã chuẩn bị binh lực đón sẵn, trong khi đó hướng Stalingrad bị bỏ lỏng và vì vậy Tập đoàn quân 6 (Đức) hoàn toàn bị bất ngờ trong Chiến dịch Sao Thiên Vương. Về phía Liên Xô, Zhukov cũng hoàn toàn không biết gì về "trò chơi" này và vì vậy ông phải trả giá đắt. Trong hồi ký của mình, ông thừa nhận rằng kết quả của cuộc tấn công này là không thành công. Tuy nhiên ông không hề biết rằng quân Đức đã được báo động về cuộc tấn công tại Rzhev và đã chuyển vào đây rất nhiều binh lực. Trong đó có 5 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh đưa từ Pháp sang đáng lẽ phải có mặt ở Stalingrad vào tháng 12 năm 1942.[26]

Sử gia A. V. Isayev cũng chỉ ra rằng, cùng với những ảnh hưởng đến các khu vực khác trên Mặt trận Xô-Đức trong giai đoạn tháng 11-12 năm 1942, Chiến dịch Sao Hỏa cũng gây ra những ảnh hướng đến cả chiến cục năm 1943. Sau khi rút bỏ chỗ lồi Rzhev (xem Chiến dịch "Con trâu"), Tập đoàn quân số 9 của Model đóng ở phía Nam chỗ lồi Oryol nằm ở phía Bắc của Kursk. Theo kế hoạch trong Trận Vòng cung Kursk, Tập đoàn quân số 9 phải tấn công Kursk từ phía Bắc và hội quân với Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Hermann Hoth. Tuy nhiên, do những thiệt hại quá nặng nề trong Chiến dịch Sao Hỏa, Tập đoàn quân số 9 đã không thể kịp phục hồi và không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là lý do tại sao những đợt tấn công của quân Đức tại Kursk trong tháng 7 năm 1943 đã nhanh chóng hụt hơi.[30]

Chính David Glantz cũng đã dẫn ra trong lời nói đầu cuốn sách "Thất bại lớn nhất của Nguyên soái Zhukov" (bản tiếng Nga. Moskva. 2006) nói về chiến dịch Sao Hỏa 1942, đoạn bình luận sau đây của A. V. Isayev:

Ngoài việc gây ra các ảnh hưởng cho các sự kiện có tính cục bộ khác của các mặt trận trong các tháng 11, 12 năm 1942; Chiến dịch "Sao Hỏa" còn ảnh hưởng đến cả quá trình chiến sự năm 1943. Mùa đông 1942, tập đoàn quân 9 của tướng Walther Model đã bị găm chặt vào "chỗ lồi" Rzhev. Đến mùa hè năm 1943, nó đã kiệt quệ đến mức người ta đã không thể sử dụng nó trong Chiến dịch "Thành trì".
— A. V. Isayev, [31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Sao_Hỏa http://rkkaww2.armchairgeneral.com/battles/mars42.... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/battles/mar... http://www.youtube.com/watch?v=nE1F3C3gn_E&feature... http://lib.rus.ec/b/149180/read http://www.1942.ru/book/glants/glants_mars42.htm http://www.1942.ru/mars/map.78infdiv.gif http://www.battlefield.ru/index.php?option=com_con... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://www.bestreferat.ru/images/paper/96/37/50537... http://bezformata.ru/content/Images/000/009/483/im...